Chứng thực Menkauhor_Kaiu

Lịch sử

Menkauhor được chứng thực thông qua ba nguồn ghi chép bằng chữ tượng hình, tất cả đều có niên đại thuộc về giai đoạn nửa sau của thời kỳ Tân Vương quốc. Tên của ông được ghi lại trong mục thứ 31 của bản Danh sách Vua Abydos, vốn được khắc trên các bức tường của một ngôi đền dưới triều đại của Seti I (1290-1279 trước Công nguyên). Ông cũng được đề cập trên phiến đá Saqqara (mục 30)[17] và trên cuộn giấy cói Turin (cột thứ ba, hàng thứ 23),[18] cả hai đều được viết dưới thời trị vì của vua Ramses II (1279-1213 trước Công nguyên).[19] Cuộn giấy Turin ghi lại rằng triều đại của Menkauhor kéo dài trong tám năm.[1] Cả ba nguồn trên đều cho rằng Menkauhor đã kế vị Nyuserre Ini và được kế vị bởi Djedkare Isesi, do đó ông là vị pharaon thứ bảy của vương triều thứ Năm.[20]

Menkauhor có thể cũng đã được nhắc đến trong tác phẩm Aegyptiaca, một tác phẩm ghi chép lại lịch sử của Ai Cập được vị tư tế người Ai Cập là Manetho viết vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên dưới thời trị vì của vua Ptolemy II (283-246 TCN), tuy nhiên không còn bản chép nào của tác phẩm này còn tồn tại cho đến ngày nay, và chúng ta chỉ biết đến nó thông qua tác phẩm sau này của Sextus Julius Africanus và Eusebius. Africanus ghi lại rằng Aegyptiaca đề cập đến một vị pharaon "Mencherês" đã trị vì trong chín năm và là vị vua thứ bảy của vương triều thứ Năm.[21] Mencherês được cho là một cách viết theo tiếng Hy Lạp của Menkauhor, và con số chín năm của Africanus cũng gần phù hợp với con số tám năm trị vì của Menkauhor theo như cuộn giấy cói Turin,[19] con số thứ hai này còn được một số nhà Ai Cập học bao gồm Hartwig Altenmüller xem là chính xác hơn.[22]

Nguồn đương thời

Hình ảnh nhân cách hóa điền trang nông nghiệp của Menkauhor, ngôi mộ của Ptahhotep, Saqqara[23]

Chỉ còn lại tương đối ít các bằng chứng khảo cổ học có niên đại thuộc về triều đại của Menkauhor còn tồn tại đến ngày nay so với của các vị vua khác thuộc vương triều thứ Năm.[19] Tuy nhiên, tên của Menkauhor lại xuất hiện nhiều trong tên và tước vị của các tư tế và quan lại của vương triều thứ Năm cũng như trong tên của các điền trang nông nghiệp có liên quan đến giáo phái tang lễ của ông.[24] Những hiện vật có niên đại thuộc về triều đại của Menkauhor mà còn tồn tại cho tới ngày nay bao gồm hai chiếc bình đá được chạm khắc tên của ông đến từ ngôi đền tang lễ của Neferefre -chúng có thể là những món quà mà Menkauhor ban tặng cho giáo phái tang lễ của Neferefre[25]- cũng như một vài vết dấu triện đến từ ngôi đền thờ này[26][27] và từ một khu vực được gọi là "Nghĩa trang gia đình của Djedkare" ở Abusir.[28] Những vết dấu trục lăn cho thấy rõ tên Horus của Menkauhor hoặc tên kim tự tháp của ông cũng đã được khai quật tại khu phức hợp tang lễ của Nyuserre Ini,[29] và trong khu nghĩa trang của Giza và Gebelein.[1]

Một con dấu trục lăn bằng vàng có khắc đồ hình của Menkauhor cũng như một phần trong tên gọi kim tự tháp của ông cùng với serekh của Djedkare Isesi ngày nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston.[lower-alpha 4][30] Con dấu này được phát hiện ở gần thung lũng sông Pactolus nằm ở miền tây Anatolia,[31] điều này có thể giúp chứng thực cho các mối quan hệ thương mại rộng mở đã diễn ra trong suốt thời kỳ vương triều thứ Năm,[22] tuy nhiên nguồn gốc của nó hiện vẫn chưa thể xác minh.[lower-alpha 5][33]

Chỉ có duy nhất một bức tượng khắc họa chân dung của nhà vua có niên đại thuộc về thời kỳ Cổ vương quốc, hiện vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Bức tượng thô bằng đá thạch cao tuyết hoa này vẫn đang còn trong tình trạng dang dở, nó miêu tả cảnh Menkauhor đang ngồi trên ngai vàng và khoác một chiếc áo choàng nghi lễ của lễ hội Heb-sed[lower-alpha 6][2][27] Bức tượng này được phát hiện trong một hố chôn giấu bí mật, nó được xây dựng vào giai đoạn cuối thời kỳ Tân vương quốc, và ở phía bên dưới sàn một căn phòng nằm về hướng phía tây của hồ nước thiêng trong ngôi đền PtahMemphis.[34] Nhà Ai Cập học Jocelyn Berlandini đưa ra giả thuyết cho rằng một bức tượng khác,[lower-alpha 7] mà vốn thường được cho là của Teti, thực ra lại là của Menkauhor Kaiu. Giả thuyết của Berlandini dựa trên nền tảng phong cách, sự tương đồng với bức tượng ngồi của Menkauhor, cũng như vị trí của bức tượng thứ hai vốn được tìm thấy ở phía đông của kim tự tháp Teti và lại nằm sát gần với kim tự tháp của Menkauhor.[36]

Các công trình tưởng niệm được chứng thực của Menkauhor lại chỉ bao gồm có một bản khắc đá tại Wadi MagharehSinai với tước hiệu của ông và một tấm bia đá thô kệch được chạm khắc cùng với đồ hình của ông đến từ Mastaba 904 tại Saqqara.[19][37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Menkauhor_Kaiu http://citation.allacademic.com/meta/p_mla_apa_res... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/375109 http://egyptologie.ff.cuni.cz/pdf/AS%202000_mensi.... http://www.cuni.cz/UKEN-332.html http://edoc3.bibliothek.uni-halle.de/lepsius/tafel... http://ediss.sub.uni-hamburg.de/volltexte/2004/210... http://dlib.nyu.edu/awdl/sites/dl-pa.home.nyu.edu.... http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5701445z http://www.etana.org/sites/default/files/coretexts... http://gizapyramids.org/static/pdf%20library/bmfa_...